BỐ CỤC TRONG THIẾT KẾ
Tác giả: Ngọc Hiệp
Dưới đây là các nguyên tắc về bố cục trong thiết kế đồ họa là điều cơ bản mà người học thiết kế cần phải biết. Để có thể tạo ra một bố cục thiết kế cân xứng hài hòa. Trong bài viết này đồ họa 360 Sẽ cùng các bạn đi tìm hiểu những nguyên tắc về bố cục trong thiết kế
I. Khái niệm bố cục trong thiết kế
Bố cục: là cách tổ chức, sắp xếp hình ảnh, chữ viết trong diện tích thiết kế. Tất cả các yếu tố riêng biệt khi kết hợp với nhau trong thiết kế sẽ tạo thành một tổng thể có sự gắn kết chặt chẽ.
II. Lý do cần sắp xếp bố cục thiết kế
Một bố cục tốt trong thiết kế không chỉ thể hiện sự tương xứng, hài hòa mà còn thể hiện được ý đồ riêng của người thiết kế, mang lại hiệu quả truyền thông cao.
1. Tạo sự hài hòa cho thiết kế
Các yếu tố trong thiết kế luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau. Khi đặt các yếu tố này đúng vị trí nó có thể gây ấn tượng cho người xem từ cái nhìn đầu tiên. Sắp xếp bố cục hợp lý không làm người xem bị nhiễu loạn bởi quá nhiều thông tin hình ảnh.
2. Thể hiện ý đồ truyền thông của thiết kế
Mỗi một bản thiết kế được tạo ra đều nhằm một mục đích nhất định. Muốn đạt được mục đích đó việc sắp xếp bố cục hợp lý là vô cùng quan trọng. Thiết kế cần phải có khả năng điều tiết người dùng chú ý đến cái gì trước, cái gì sau; cái gì là yếu tố chính của thiết kế, cái gì là phần phụ. Muốn thể hiện ý đồ truyền thông một cách rõ ràng bố cục thường phải có tính phân cấp. Có thể tạo ra phân cấp cho thiết kế bằng kích thước, tương phản về màu sắc, hình dạng, độ đậm nhạt của chữ…
3. Tăng giá trị cho sản phẩm thiết kế
Một tác phẩm có bố cục đẹp và nhà thiết kế có thể giải thích về bố cục đó chắc chắn tác phẩm sẽ có giá trị cao hơn.
III. Phân loại và sử dụng bố cục
1. Bố cục cân bằng
Bố cục cân bằng là loại bố cục thường gặp trong thiết kế đồ họa. Sự cân bằng trong bố cục thiết kế tương tự như sự cân bằng trực quan vật lý. Có hai loại trong bố cục cân bằng:
1.1 Cân bằng đối xứng
Là tất cả các yếu tố như chiều cao, chiều rộng được sắp xếp một cách đối xứng trong bản thiết kế. Bố cục cân bằng đối xứng tạo ra cảm giác ổn định.
1.2 Cân bằng không đối xứng
Hai bên phần tử không bằng nhau, tất cả các yếu tố sắp đặt không có sự đối xứng với nhau. Cân bằng bất đối xứng được tạo ra từ việc sử dụng các yếu tố màu sắc, kích thước, số lượng, sắc độ…
2. Bố cục tương phản
Là bố cục sử dụng màu sắc và hình ảnh đối lập nhau trong cùng một bố cục thiết kế. Loại bố cục tương phản tạo ra một ấn tượng mạnh, hấp dẫn người xem. Sự tương phản được tạo ta từ màu sắc, kiểu chữ, kích thước chữ
3. Bố cục chuyển động
Là bố cục tạo cho người xem cảm giác sự vật đang trong trang thái chuyển động hoặc có độ nông sâu nhất định. Có thể tạo ra bố cục chuyển động bằng cách sắp xếp to nhỏ, sử dụng đường chéo…
4. Bố cục nhấn mạnh
Giữa những đối tượng bình thường tạo ra một đối tượng khác về màu sắc, kích cỡ, nền hình ảnh… nhằm khiến người xem chú ý vào đối tượng được nhấn mạnh.
5. Bố cục đồng nhất
Sử dụng những đối tượng giống nhau về đường nét, màu sắc tương đồng; chung một thuộc tính để tạo ra một tín hiệu nhận diện. Bố cục đồng nhất tương đối khó để tạo ra.
6. Bố cục dòng chảy thị giác
Sự kết nối về thị giác dựa trên hướng và màu, cấu trúc của hình điều hướng người dùng nhìn vào đâu trước, nhìn vào đâu sau dòng chảy từ trên xuống dưới: thường được dùng trong poster phim.