Lạm bàn đôi chút về nghề Thiết kế đồ họa
Tác giả: Ngọc Hiệp
Nếu bạn là người đam mê sáng tạo, lúc nào cũng có những ý tưởng thú vị trong đầu hoặc đơn giản là vô cùng nhạy cảm với hình ảnh và màu sắc thì rất có thể Thiết kế đồ họa là ngành học bạn nên chọn. Bạn đang hoang mang không biết “Thiết kế đồ họa” là gì? Đừng lo lắng, Đồ họa 360 sẽ giúp bạn giải mã ngành học thú vị và thời thượng này trong bài viết dưới đây.
Thiết kế đồ họa là gì?
Thay vì đi thẳng vào định nghĩa thì trước tiên Đồ họa 360 sẽ chỉ ra các sản phẩm đồ họa thường thấy để các bạn dễ hình dung.
Hãy nhớ đến những lúc bạn ngồi ở nhà chờ xe buýt, bạn có thấy các áp phích quảng cáo lộng lẫy được treo ở phía sau?
Hãy nhớ đến các lần bạn đến rạp xem phim, bạn có thấy các tấm poster quảng cáo phim bắt mắt được trưng bày khắp rạp chiếu?
Hãy nhớ đến những khi bạn xem tạp chí thời trang, bạn có thấy thích thú khi đọc những bài viết được trình bày một cách chỉn chu và trau chuốt đến từng trang?
Hay mỗi khi có ai nhắc đến công ty công nghệ đình đám Apple, có phải bạn nhớ ngay đến logo quả táo cắn dở nổi tiếng?
Đúng vậy, những tấm áp phích quảng cáo, poster phim, cách trình bày của tạp chí và logo các công ty… chính là “sản phẩm đồ họa” bạn thấy hàng ngày nhưng có thể chưa biết gọi tên. Định nghĩa một cách nôm na, “đồ họa” là một từ khái quát để gọi các thành phần nhỏ hơn là “chữ viết”, “hình ảnh”, “màu sắc” và “bố cục”. Nếu bạn để ý kỹ thì sẽ thấy sản phẩm đồ họa nào cũng có những yếu tố trên nhưng lại được trình bày một cách khác nhau tùy thuộc vào mục đích và đối tượng tiếp nhận. Từ định nghĩa đó, “thiết kế đồ họa” là một ngành học dạy bạn cách sắp xếp chữ, căn chỉnh hình ảnh, lựa chọn màu sắc và sáng tạo bố cục để sản phẩm đồ họa cuối cùng có một tổng thể bắt mắt và thu hút người xem nhất có thể.
Tại sao ngành Thiết kế đồ họa cần thiết?
Góp phần giúp các công ty bán được hàng
Để bán được hàng cần rất nhiều bước nhưng nếu chỉ xét ở công đoạn đưa hình ảnh sản phẩm đến với khách hàng tiềm năng thì graphic designer giữ vai trò khá quan trọng. Graphic designer sẽ làm nhiệm vụ thiết kế bao bì sản phẩm thật bắt mắt để người mua chú ý, sẽ thiết kế poster quảng cáo cho sản phẩm treo ở nơi công cộng nhằm giới thiệu với người dùng, sẽ chỉnh sửa hình ảnh của diễn viên quảng cáo thật long lanh nhằm tạo thiện cảm với khách hàng,… Tóm lại, graphic designer sẽ làm cho hình ảnh của sản phẩm đẹp nhất có thể. Hình ảnh sản phẩm tốt là yếu tố rất quan trọng để các công ty bán được hàng.
Góp phần giúp người đọc thích… đọc hơn
Có bao giờ bạn ra nhà sách tính mua sách nhưng lại thấy các bìa sách trông thật tẻ nhạt nên không muốn mua? Có bao giờ bạn giở một tờ báo rồi cảm thấy khó chịu vì thông tin trong đó được trình bày một cách lộn xộn và rối rắm? Nếu câu trả lời là có thì graphic designer chính là người hàng ngày đang miệt mài cố gắng thiết kế bìa sách đẹp hơn hoặc dàn trang tạp chí hợp lý hơn nhằm cải thiện trải nghiệm đọc cũng như khuyến khích thói quen đọc của mọi người.
Góp phần giúp các công ty tạo dựng hình ảnh
Ngoài logo thì các công ty còn cần graphic designer thiết kế name card, brochure, biển hiệu, standee, thẻ nhân viên, hình ảnh trên mạng xã hội,… để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp đến với mọi người. Nếu bạn từng trầm trồ khen logo nói riêng và bộ nhận diện thương hiệu nói chung của công ty nào đấy thì đó chính là công sức của graphic designer đấy.
Trình bày ý tưởng không còn là trở ngại
Khi bạn đã có thể thành thục trong việc sắp xếp hình, chữ thì cũng có nghĩa bạn đã có khả năng diễn đạt thông tin mình muốn đến với người khác một cách tốt nhất. Lấy một ví dụ gẫn gũi là CV xin việc của bạn. Người không có kiến thức về đồ họa sẽ gặp chút khó khăn trong việc không biết nên đặt đoạn văn này ở đâu, kích cỡ chữ thế nào là vừa, hình ảnh nên chèn ra sao trong khi người đã học về đồ họa lại hoàn toàn làm chủ được mọi yếu tố trên.
Ai phù hợp với ngành học Thiết kế đồ họa?
Bạn sẽ rất phù hợp với ngành học Thiết kế đồ họa khi có những điều sau:
-
Có khả năng sáng tạo trong khuôn khổ: Sáng tạo là điều bắt buộc bạn phải có để tồn tại trong môi trường khao khát sự mới lạ của lĩnh vực đồ họa. Tuy nhiên, bạn sẽ không được sáng tạo “bay cao bay xa” theo ý thích mà sẽ phải chịu sự quản lý và kiểm soát của sếp, công ty hoặc đối tác.
-
Yêu thích hình ảnh và màu sắc: Nếu bạn yêu thích những tấm ảnh đẹp hay say mê ngắm nhìn những banner quảng cáo đầy màu sắc thì ngành thiết kế đồ họa sẽ rất phù hợp với bạn.
-
Không thích công việc nhàn hạ: Thiết kế đồ họa chưa bao giờ là công việc “ngồi chơi xơi nước”. Công việc này đòi hỏi sự sáng tạo nên chắc chắn không hề nhẹ nhàng. Bạn nên chuẩn bị tinh thần chịu đựng áp lực và căng thẳng mỗi khi bí ý tưởng nhưng vẫn phải chạy deadline hàng tháng.
-
Chấp nhận làm hơn 8 tiếng một ngày: Nếu bạn mong muốn có một công việc ngày làm 8 tiếng thì ngành học thiết kế đồ họa không dành cho bạn. Thời gian làm công việc này khá linh động. Nếu biết sắp xếp công việc thì bạn thậm chí có thể làm ít hơn 8 tiếng một ngày. Tuy nhiên, nếu gần đến deadline mà bạn vẫn chưa có ý tưởng hoặc bản phác thảo nào để gửi cho sếp thì phải chịu cảnh thức khuya dậy sớm chạy deadline. Đối với những dự án lớn thì việc bạn phải làm tăng ca để theo kịp tiến độ là điều hoàn toàn bình thường.
-
Luôn không ngừng học hỏi: thiết kế đồ họa là một ngành học thường xuyên được cập nhật các xu hướng thiết kế mới nên bạn phải luôn học hỏi để theo kịp dòng chảy của ngành.
-
Sẵn sàng học ngoại ngữ: nếu bạn muốn du học ngành thiết kế đồ họa thì học ngoại ngữ là điều hiển nhiên nhưng ngay cả khi bạn học ngành này tại Việt Nam thì ngoại ngữ cũng rất cần thiết để bạn có thể tự trau dồi thêm kỹ năng và học hỏi xu hướng thiết kế mới.
Một số đầu việc graphic designer thường làm là gì?
- Trao đổi và thảo luận yêu cầu của dự án với khách hàng hoặc đối tác
- Báo giá cho toàn bộ dự án
- Nghĩ ra phương án thực hiện phù hợp với yêu cầu ban đầu
- Trao đổi và thảo luận với các người trong nhóm để cùng nhau thực hiện dự án
- Sử dụng các kỹ năng chuyên môn để tìm ý tưởng và thiết kế thành những bản phác thảo đầu tiên
- Tiếp tục hoàn thiện ý tưởng và sản phẩm hình ảnh đến khi đối tác vừa lòng
Ngoài graphic designer, học Thiết kế đồ họa còn có thể làm gì khác?
Sau khi ra trường, bạn có thể sử dụng các kiến thức được học để bổ trợ cho các các công việc khác như:
- Giám đốc mỹ thuật công ty quảng cáo (Advertising art director)
- Chuyên viên hoạt họa (Animator)
- Họa sĩ minh họa (Illustrator)
- Chuyên viên in ấn (Printmaker)
- Nhiếp ảnh gia
Cần có những kỹ năng gì để tìm được việc?
- Kỹ năng làm việc nhóm: Làm việc trong ngành này bạn sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với mọi người như nhà làm phim, nghệ sĩ, nhà văn,… nên kỹ năng làm việc nhóm là điều bắt buộc. Dĩ nhiên bạn vẫn phải làm việc độc lập để hoàn thành phần việc của mình nhưng sản phẩm cuối cùng luôn phải đồng bộ với tổng thể. Ví dụ bạn chịu trách nhiệm làm poster cho phim thì poster này phải phù hợp với tính chất của phim. Do đó bạn vẫn phải làm việc chung với đạo diễn và biên kịch để làm ra một sản phẩm phù hợp.
- Kỹ năng giao tiếp: Kỹ năng này gần như đều cần thiết với tất cả mọi ngành nghề, nhất là các công việc thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng và đối tác như graphic designer.
- Kỹ năng quản lý thời gian: công việc trong ngành luôn đi kèm với deadline nên bạn bắt buộc phải có kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả để có thể hoàn thành công việc đúng hạn.
Cơ hội nghề nghiệp và thời gian làm việc ra sao?
Học ngành này bạn sẽ nhiều cơ hội tìm được việc làm vì dù kinh tế có suy thoái đến đâu thì các nhãn hàng vẫn phải chi một khoản ngân sách thuê bạn làm quảng cáo cho sản phẩm của họ. Ngoài làm việc cho các công ty chuyên về truyền thông quảng cáo, bạn có thể tự thành lập nhóm rồi mở công ty riêng để cung cấp dịch vụ thiết kế. Nếu bạn yêu thích sách thì hãy đầu quân vào các nhà xuất bản để làm đẹp cho những quyển sách. Trong trường hợp bạn không muốn bị gò bó trong môi trường công sở thì lựa chọn làm freelance cũng rất phổ biến.
Mức lương của những người làm việc trong ngành tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tài năng và kinh nghiệm của bạn, loại hình công ty, quy mô dự án,… nên sẽ không có con số cụ thể. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự tài năng thì hãy yên tâm khách hàng sẽ không tiếc khi phải trả cho bạn một số tiền xứng đáng.
Nếu bạn làm việc ở công ty thì bên cạnh giờ hành chính bạn sẽ phải làm ngoài giờ nếu công việc chưa xong khi deadline sắp đến. Nếu bạn làm freelance thì thời gian làm việc tùy thuộc vào số lượng công việc bạn nhận và sự quản lý của bạn.