Nghề thiết kế quảng cáo
Tác giả: Đồ họa 360
Nghề thiết kế quảng cáo
Quảng cáo là một trong những nghề được xem là khá phát triển và thịnh hành hiện nay, với nhiều lĩnh vực đòi hỏi khả năng sử dụng máy tính để hiện thực hóa những quảng cáo ý tưởng. Nếu có đam mê Bạn sẽ có nhiều cơ hội trong ngành này. Vì vậy, các bạn hãy cùng Đồ hoạ 360 tìm hiểu về nghành này nhé.
Nghệ sĩ tính + logic tính + truyền thông
Để được xem là một “nghề”, nghề quảng cáo phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản như: phải bỏ sức lao động và chiếm dụng một khoảng thời gian nào đó nhất định trong ngày; đòi hỏi một khóa huấn luyện đào tạo (một số quốc gia chỉ công nhận một nghề thực sự khi người làm nó được một cơ sở đào tạo hợp pháp hoặc một trường đại học cấp bằng tốt nghiệp); nghề nghiệp này có một tổ chức, hội đoàn, nghiệp đoàn được xã hội hoặc Nhà nước công nhận, ở một số nước còn phải có giấy phép hành nghề do các tổ chức này cấp ngoài bằng tốt nghiệp; công việc không trái với các chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Ngoài các chuẩn mực chung này, nghề quảng cáo còn có thêm một số yêu cầu khác như:
· Người làm nghề cần có các khả năng về nghệ thuật (viết văn, vẽ, âm nhạc, điện ảnh, …). Nếu không có khả năng sáng tác, ít nhất cũng phải có khả năng cảm nhận nghệ thuật, biết phân biệt đẹp/xấu, hay/dở. Nói một cách khác, nghề quảng cáo yêu cầu một ít “nghệ sĩ tính”.
- Khả năng truyền thông: có khả năng hiểu người khác (ở đây là khách hàng), và khả năng diễn đạt lại ý tưởng của mình cho khách hàng. Khả năng truyền thông còn hàm ý rằng người làm nghề quảng cáo cần dung nạp ý kiến của người khác trong khi vẫn phải phát triển được ý tưởng mang tính sáng tạo của mình.
- Tư duy logic và khả năng làm việc chính xác (đúng giờ, biết tính toán, có kế hoạch).
- Kiến thức rộng rãi, bao quát nhiều mặt của cuộc sống.
Một điều rất dễ nhận thấy là các yêu cầu này rất khó “sống chung” với nhau: vừa yêu cầu nghệ sĩ tính, vừa đòi hỏi tư duy logic, chính xác …; vừa đòi hỏi tính sáng tạo (mang dấu ấn cá nhân), vừa yêu cầu dung nạp ý kiến của người khác … nhưng đây chính là những điểm “đặc trưng” nhất của nghề quảng cáo.
Nghề quảng cáo trong thời đại kỹ thuật số
Máy vi tính và các công nghệ mới xuất hiện đã làm biến đổi mãnh liệt các bộ môn nghệ thuật, từ hội họa, nhiếp ảnh, truyền thông chuyển sang Pop art, từ nghệ thuật biểu diễn thông thường đến thành trình diễn Multimedia …
Quảng cáo cũng chuyển mình theo. Ngày nay, người ta không còn thấy những bài viết quảng cáo dài dằng dặc nữa, thay vào đó là những hình vẽ sắc sảo, hình chụp và xử lý ghép với những góc độ phi thực tế, những đoạn phim ngập tràn kỹ xảo After Effects, hình ảnh sống động như thật với âm thanh làm thót tim … Tất cả chỉ cần một ý tưởng và một Studio đơn giản với một chiếc máy vi tính trong một xó nhà, góc bếp nào đó. Ý tưởng và kỹ thuật hòa quyện vào nhau. Các phầm mềm đồ họa 2D và 3D làm giảm nhẹ cường độ lao động, nhưng tăng cường gấp bội hiệu quả cho sản phẩm quảng cáo.
Các mẫu quảng cáo đa dạng và phong phú với nhiều hình thức
Phương tiện quảng cáo cũng xuất hiện nhiều điểm mới. Nếu trước đây quảng cáo chủ yếu là trên báo, truyền hình và các đài phát thanh, thì nay quảng cáo online đang là một hoạt động nở rộ và nhiều hứa hẹn. Thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 được dự báo là kỷ nguyên của mạng Internet và điện thoại di động; trong đó, quảng cáo sẽ là hoạt động sôi nổi và mang về nhiều lợi nhuận nhất. Sự tập trung dân số về các thành phố lớn cũng làm phát triển các hình thức quảng cáo khác như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên các phương tiện công cộng, …
Nghề thiết kế quảng cáo – Chiếc bánh to lớn
Do tính chất đa dạng, nghề quảng cáo đòi hỏi sự kết hợp nhiều ngành nghề, nhiều khả năng khác nhau mà một cá nhân không thể nào đảm đương nổi. Từ việc ngồi một chỗ suy nghĩ, sáng tạo, viết lời quảng cáo, đến việc khảo sát thị trường, … Từ người họa sĩ vẽ tay phác thảo, đến anh kỹ thuật viên thể hiện, xử lý layout trên máy tính …, tất cả đều là một bầy ông chăm chỉ củng chung tay xây dựng một sản phẩm vừa là một tác phẩm nghệ thuật, vừa mang đậm dấu ấn của công nghệ hiện đại.
Nói một cách vắn tắt, nghề quảng cáo bao gồm các công việc như sau: Giám đốc sáng tạo (Creative Director, người đề ra các ý tưởng), Giám đốc nghệ thuật (Art Director, có nhiệm vụ hiện thực hóa ý tưởng), Nhà thiết kế (Designer, thực hiện sản phẩm bằng công cụ máy tính), Kỹ thuật viên (in ấn, thợ thi công, …). Những công việc này đòi hỏi liên kết chặt chẽ và hiểu biết đầy đủ của từng bộ phận, đặc biệt 3 vị trí Creative Director, Art Director và Designer cần có sự đào tạo bài bản, đầy đủ và cập nhật.
Nghề quảng cáo rõ ràng là một chiếc bánh to lớn mà mọi người đều tìm thấy phần của mình. Chỉ cần bạn có sự đam mê, yêu thích, và tất cả bắt đầu chỉ bằng một bước đơn giản: hãy đi học Tin học và Thiết kế Mỹ thuật đa phương tiện Multimedia.
Vừa rồi là chia sẻ của Đồ họa 360 về Nghề Thiết kế Quảng cáo, chúc các bạn có sự lựa chọn đúng và thành công trên con đường của mình!